Categories
Cách làm cơm rượu

Cách làm cơm rượu thơm ngon với công thức siêu đơn giản và nhanh chóng

(Cách làm cơm rượu thơm ngon với công thức siêu đơn giản và nhanh chóng) – Bạn đã biết cách làm cơm rượu cho ngày tết Đoan Ngọ sắp tới gần chưa? Cơm rượu hay cơm rượu nếp là một loại cơm lên men không thế thiếu trong ngày Tết Đoan Ngọ (5/5 Âm lịch) theo truyền thống của người Việt ta.

Cách làm cơm rượu thơm ngon với công thức siêu đơn giản và nhanh chóng
Cách làm cơm rượu thơm ngon với công thức siêu đơn giản và nhanh chóng

Vào ngày này, mọi người thường dậy rất sớm, sau đó ăn ngay một bát cơm rượu nếp hoặc một vài thức quả, bánh tro, chè hạt sen,… với ý niệm là để giệt trừ sâu bọ, bệnh tật trong người. Hôm nay, bài viết này sẽ hướng dẫn bạn công thức làm món cơm rượu theo đúng chuẩn dân gian từ xa xưa truyền lại, để chuẩn bị kịp cho ngày Tết Đoan Ngọ sắp tới nhé. Cùng vào bếp thôi!

Ăn cơm rượu nếp vào ngày Tết Đoan Ngọ

Người xưa cho rằng, bộ phận tiêu hoá của con người thường có các loại ký sinh gây hại nằm sâu bên trong bụng nên không phải lúc nào cũng diệt được chúng. Duy có ngày mồng 5/5 (âm lịch), các loại ký sinh này thường ngoi lên, con người có thể ăn thức ăn, hoa quả vị chua, chát, đắng và nhất là rượu nếp, mới có thể loại bỏ chúng.

Chính vì lẽ đó, mà cơm rượu nếp là một món ăn không thể thiếu trong ngày Tết Đoan Ngọ của cả người dân 3 miền, với ý niệm tiêu diệt sâu bọ, mong một sức khỏe dồi dào suốt cả năm. Nếu có dịp du lịch hoặc ghé qua những vùng đất khắp 3 miền của Tổ quốc vào ngày này, thì đừng bao giờ bỏ qua món cơm rượu thơm ngon đặc trưng của từng địa phương nhé!

Cơm rượu nếp của 3 miền Việt Nam

Cơm rượu miền Bắc: Nét đặc trưng độc đáo ở cơm rượu miền Bắc đó là được làm từ gạo nếp lứt hoặc gạo nếp cẩm. Tuy nhiên, để đạt được hương vị thơm ngon nhất, người Bắc thường dùng gạo nếp cẩm – nhất là gạo nếp cẩm vùng Tây Bắc. Miền Bắc cũng nổi tiếng với cơm rượi nếp cái hoa vàng, cơm rượu làm từ gạo nếp cái hoa vàng nức tiếng ngon, được bàn đến rất nhiều mỗi dịp Tết Đoan Nghọ về. Một điểm đáng chú ý là, cơm rượu nếp miền Bắc thường rời, hạt nếp không quá mềm và vị rượu nồng hơn 2 miền còn lại.

Cơm rượu nếp cẩm
Cơm rượu nếp cẩm

Cơm rượu miền Trung: Khác với miền Bắc, người miền Trung chỉ sử dụng nếp trắng bình thường để làm cơm rượu và cơm rượu được nén thành từng khối chứ không rời ra như miền Bắc.

Cơm rượu miền Nam: Cũng giống như miền Trung, miền Nam chỉ dùng nếp trắng để chế biến thành cơm rượu. Đặc biệt hơn, cơm rượu Nam Bộ được nắn thành từng viên tròn chứ không rời như miền Bắc hoặc ép thành từng khối như miền Trung. Ngoài ra, người dân miền Nam đôi khi còn pha thêm chút đường vào cơm rượu nhằm tăng hương vị cũng như giảm bớt độ nồng của rượu, chứ không ăn thuần túy như 2 miền còn lại.

Tuy có những cách biến tấu khác nhau nhưng nhìn chung, cơm rượu 3 miền vẫn đảm bảo được độ cay, độ nồng, thơm của rượu cùng với độ béo của nếp. Nhưng cho dù là biến tấu nào đi chăng nữa, vẫn có một công thức chế biến chung giữa chúng, đây được xem là công thức chuẩn và đơn giản nhất để bạn có thể thực hiện ngay tại nhà.

Công thức chuẩn làm món cơm rượu nếp thơm ngon

Chuẩn bị nguyên liệu

Gạo nếp: Có 2 loại gạo nếp bạn có thể sử dùng để làm món cơm rượu thơm ngon này là gạo nếp trắng hoặc gạo nếp cẩm (hay còn gọi là gạo nếp than). Tùy vào từng vùng miền và sở thích mà chọn loại gạo sao cho phù hợp. Gạo nếp ngon nhất để làm cơm rượu sẽ là loại gạo không chà bóng vỏ (còn nguyên lớp cám). Tuy nhiên, nếu bạn không mua được loại gạo thô như trên thì có thể chọn loại gạo đã chà bóng cũng không sao hết. Hãy chuẩn bị khoảng 500 gram gạo nếp là đủ.

Men rượu: Bên cạnh việc chọn gạo, thì đây là nguyên liệu quan trọng tiếp theo và quyết định chính tới chất lượng món cơm rượu của chúng ta. Bạn cần chọn kỹ men, tuyệt đối không được mua men tàu, bởi nếu không chọn kỹ có thể sẽ gây ra các tác dụng phụ không mong muốn. Tỉ lệ men chuẩn trong cách làm cơm rượu là 50g men/ 1kg gạo nếp. Men ngọt làm cơm rượu, có các thương hiệu khác nhau, tùy thương hiệu bạn chọn, bạn theo hướng dẫn lượng men sử dụng cho khối lượng gạo của nhà sản xuất men nhé.

Muối ăn: Tùy theo lượng gạo, bạn chuẩn bị ít muối ăn để đảo đều gạo trước khi nấu cơm.

Cách làm cơm rượu như sau

Bước 1: Chuẩn bị gạo nếp để nấu cơm

Không giống với cách dùng gạo nếp khi nấu xôi, trong cách nấu cơm rượu này, phần chuẩn bị gạo sẽ có phần khác đi 1 chút. Nếu như với món xôi, bạn cần phải ngâm gạo trước từ 4 – 6 tiếng thì với món cơm rượu này, bạn có thể không cần ngâm, phần gạo nếp bạn chỉ cần vo sạch là có thực hiện ngay công đoạn tiếp theo.
Cho gạo ra rá sau đó vo sạch, nhặt hết bụi bẩn, mày trấu. Sau khi vo xong, bạn để cho gạo ráo nước tự nhiên. Lưu ý là bạn không cần vo kỹ để tránh làm mất lớp cám dinh dưỡng của gạo.

Bước 2: Tiến hành nấu cơm nếp

Sau khi vo sạch gạo xong, bạn cho phần gạo và khoảng ¼ thìa cafe muối vào một chiếc nồi rồi trộn đều lên. Trộn xong, bạn cho nước vào nồi cơm sao cho phần nước này chỉ xâm xấp mặt gạo, không được đổ nhiều quá, để tránh cơm bị nhão.

Bước 3: Chuẩn bị men rượu

Bạn hãy cho các viên men rượu vào một chiếc cối khô, sạch. Tiếp đến, hãy dùng chày để giã thật mịn phần men này. Giã xong, bạn dùng đũa hoặc tay đảo đều để men không bị dí chặt mà sao cho tơi bột là được. Trường hợp bạn muốn phần men được giã nhanh và mịn hơn thì bạn có thể sử dụng tới máy xay sinh tố.

Bước 4: Trộn cơm nếp với men

Bạn hãy chia men và cơm thành 4 phần đều nhau. Cho một phần cơm và một phần men vào trộn đều với nhau. Bạn có thể trộn bằng môi/ đũa hoặc tốt nhất là nên đeo găng tay để trộn cho đều nhất.

Sau khi phần men và phần cơm thứ nhất đã đều, bạn tiếp tục cho phần men và cơm thứ hai vào trộn đều với phần thứ nhất. Cứ tiếp tục như thế cho đến khi hết men và cơm, sao cho phần men phải hòa quyện đều chỗ cơm nếp.

Cách trộn men thứ 2 đơn giản hơn cũng được áp dụng nhiều là bạn chia men thành 2 phần. 1 phần bạn rắc trên mặt cơm nếp đã thanh ra mặt phẳng sạch nguội bới. Rắc đều xong, bạn lật cơm lên và rắc phần men còn lại cho đều.

Bước 5: Tiến hành ủ cơm rượu

Cho cơm đã trộn đều với men vào trong chiếc lọ/ tô/ hũ lớn đã chuẩn bị trước, ép nhẹ cơm xuống (không cần ép chặt quá, để có không khí cho men hoạt động). Cuối cùng, bạn hãy đậy một miếng vải kín hoặc màng bọc thực phẩm lên bề mặt lọ/ tô/ hũ và để ủ trong khoảng từ 3 – 5 ngày.

Cơm rượu nếp đạt là khi thấy cơm có nước chảy ra, dậy mùi thơm lên men, khi thưởng thức sẽ có vị ngọt và có mùi thơm đặc trưng của rượu. Bạn có thể bắt đầu kiểm tra từ ngày thứ 2 để biết cơm đã đạt hay chưa nhé.

Cách làm cơm rượu nhìn chung cũng không quá khó đúng không nào! Cơm rượu thơm phức với vị ngọt tự nhiên cực hấp dẫn sẽ lôi cuốn bất kỳ ai khi thưởng thức, cho dù là khó tính nhất. Và bạn biết không, không chỉ riêng ngày Tết Đoan Ngọ, dùng cơm rượu thường xuyên cũng rất tốt cho sức khỏe, còn giúp chị em giảm cân, đẹp da nữa đấy. Vậy thì còn chần chừ gì nữa mà không xuống bếp ngay, để thực hiện món ăn này cho cả gia đình cùng thưởng thức, cũng như chuẩn bị cho ngày Tết Đoan Ngọ mùng 5 tháng 5 sắp tới. Chúc bạn thành công dễ dàng nhé.

Khánh Nhi tổng hợp